Hội chứng ruột kích thích: Chớ coi thường

Mặc dù không gây nguy hiểm, nhưng Hội chứng ruột kích thích lại rất khó điều trị dứt điểm và hay tái phát gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Tháng 2 8, 2023 - 09:36
Hội chứng ruột kích thích: Chớ coi thường

Ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống
Theo PGS.TS Vũ Văn Khiên (Khiên (Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện TW Quân đội 108): Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) hay còn gọi là hội chứng đại tràng kích thích; đại tràng co thắt. Là một thực thể bệnh lý nằm trong các rối loạn chức năng ống tiêu hóa. Cơ chế gây HCRKT đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên những người dễ mắc phải hội chứng này là những bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý, rối loạn sự vận động của ruột, rối loạn về cảm thụ của ống tiêu hóa...

Về những triệu chứng của HCRKT, PGS.TS Vũ Văn Khiên chỉ ra: Thứ nhất, bệnh nhân mắc hội chứng này thường có biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ với từng đợt táo bón. Triệu chứng thứ hai mà người mắc HCRKT thường gặp, đồng thời cũng rất dễ nhận biết là đau bụng. Người bệnh còn có những dấu hiệu ở đường tiêu hóa cao như trào ngược dạ dày - thực quản với cảm giác nóng ở thượng vị, buồn nôn, nuốt khó, đôi khi có cảm giác có cục vướng ở họng.

Ngoài ra còn có các triệu chứng không phải đường tiêu hóa như đau đầu, mệt mỏi, ra mồ hôi chân tay, hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, liệt dương ở nam, đau khi giao hợp, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu đêm. Tinh thần tỏ ra lo lắng, có tâm trạng sợ bị bệnh, tính khí thay đổi, dễ xúc động, dễ buồn, dễ vui…

HCRKT khó điều trị dứt điểm
Theo PGS.TS Vũ Văn Khiên: “HCRKT là một hội chứng bệnh có tính mạn tính, hay tái phát và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị HCRKT là một điều trị toàn diện, là sự phối hợp giữa các phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc như chế độ ăn uống, luyện tập, vật lý liệu pháp…”.

Để giảm các triệu chứng, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng chống đau, chống co thắt như Phlorolucinol, Trimeutill; thuốc chống táo bón như Forlax, Sorbitol; hay các loại thuốc chống chướng bụng đầy hơi như Debridal, Motilium M…

Đối với chế độ ăn uống, bác sĩ Khiên cho biết, quan trọng nhất là trong đợt đang có triệu chứng. Người bệnh cần kiêng những loại thức ăn như sữa, tôm, cua, cá…; tránh những loại thức ăn sinh hơi nhiều và khó tiêu (khoai, sắn, hoa quả nhiều đường); những chất kích thích như rượu, bia, cà phê; thức ăn tái sống, thức ăn để lâu. Về chế độ luyện tập, người bệnh luyện đi ngoài ngày 1 lần vào buổi sáng kết hợp massage bụng buổi sáng để gây cảm giác đi ngoài. Luyện tập thư giãn, khí công.

Ngoài ra HCRKT bị kích thích bởi các yếu tố tâm lý. Do vậy, tâm lý trị liệu được cho là có lợi ích đặc biệt với những bệnh nhân có kèm theo lo âu hoặc trầm cảm. Các kỹ thuật tâm lý trị liệu bao gồm liệu pháp nhận thức về hành vi, tâm lý trị liệu động, liệu pháp thư giãn và thôi miên trị liệu. Bác sỹ Khiên cũng khuyên bệnh nhân nên bình tĩnh, không nên lo lắng quá nhiều vì bệnh không nguy hiểm, do đó người bệnh yên tâm có thể chung sống hòa bình với bệnh.

Phòng tránh bệnh
Để phòng ngừa HCRKT, mỗi người nên thực hiện những điều sau:
- Cần có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Chế độ làm việc điều độ, tránh tình trạng căng thẳng.
- Vận động thường xuyên, đi bộ nhiều. Cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ.
- Hít thở sâu giúp thư giãn cơ bụng có thể đưa tới hoạt động tiêu hóa nhiều hơn bình thường.
- Hãy dành ít nhất 15 phút/ ngày cho các hoạt động thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, chơi game hoặc chỉ ngâm trong bồn tắm nước ấm…

-------------------
Vnkhoe.com - Tôi khoẻ, bạn khoẻ, Việt Nam khoẻ!
Kiến thức y tế nhiều hơn, sống khoẻ hơn.

Vnkhoe Vnkhoe.com - Kiến thức y tế nhiều hơn, sống khoẻ hơn.